Không sử dụng lòng, lề đường để phơi nông sản, làm mất ATGT
Hiện nay, các thôn trên địa bàn xã đang tập trung thu hoạch lúa. Tình trạng người dân sử dụng lòng, lề đường để phơi nông sản, tuốt lúa và đốt rơm rạ diễn ra khá phổ biến ở nhiều tuyến đường.
Hiện nay đang đang vào mùa thu hoạch lúa, Do thiếu sân phơi, nhiều hộ dân trên địa bàn đã tận dụng lòng, lề đường để phơi thóc lúa, rơm rạ. Mặt đường của các tuyến đường bị người dân biến thành bãi tập kết, nơi phơi rơm rạ, thóc lúa. Việc lấn chiếm lòng lề đường để phơi, tập kết rơm rạ, thóc lúa khiến cho người tham gia giao thông rất khó khăn trong việc điều khiển phương tiện, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông, dẫn đến nguy cơ tai nạn giao thông là rất cao. Một số người dân còn dùng gạch đá xếp thành hàng trên đường để ngăn không cho các phương tiện giao thông đi vào khu vực phơi thóc lúa. Tình trạng tuốt lúa, phơi thóc, đốt rơm rạ tái diễn vào mỗi mùa gặt không chỉ gây cản trở mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông. Thực tế đã xảy ra không ít vụ tai nạn giao thông mà nguyên nhân chính là do việc phơi rơm, rạ, thóc trên đường. Đặc biệt, có trường hợp rơm, rạ quấn vào xe gây cháy nổ.
Trên thực tế, việc xe đi qua đoạn đường có rơm, rạ là rất nguy hiểm, bởi khi xe chạy sẽ làm nóng một số bộ phận của xe. Trong khi đó, rơm, rạ khô lại rất dễ cháy, hai yếu tố này gặp nhau thì nguy cơ cháy là rất cao. Không chỉ khi rơm, rạ cuốn vào ống xả, mà chỉ cần xe chạy cuốn theo rơm, rạ, tạo ma sát với mặt đường cũng sinh nhiệt, dễ gây cháy. Những hành vi nêu trên không chỉ vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông mà còn gây nguy hiểm đến tính mạng cho người tham gia giao thông lẫn người phơi thóc lúa.
Tại điểm b khoản 2 điều 35 luật giao thong đường bộ năm 2008, quy định: “không được phơi thóc, lúa, rơm, rạ, nông sản hoặc để vật khác trên đường bộ”.
Căn cứ điểm b khoản 1 điều 12 nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Thủ tướng chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thì các trường hợp người dân có hành vi phơi thóc, lúa, rơm, rạ, nông, lâm, hải sản trên đường bộ; đặt máy tuốt lúa trên đường bộ sẽ bị xử phạt từ 100.000đ – 200.000đ đối với cá nhân; từ 200.000đ – 400.000đ đối với tổ chức.
Đối với trường hợp thực hiện hành vi phơi thóc, lúa, rơm, rạ trên đường bộ mà gây thiệt hại (tai nạn giao thông) cho tính mạng hoặc tài sản của người khác, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “cản trở giao thông đường bộ” theo quy định tại điều 261 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 với mức hình phạt có thể phạt tiền từ 30.000.000đ đến 100.000.000đ hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 10 năm.
Trước tình trạng này, nhằm đảm bảo an toàn giao thông cho người và phương tiện, ủy ban nhân dân xã yêu cầu mỗi người dân cần nêu cao ý thức giữ gìn trật tự an toàn giao thông.