MỘT SỐ CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT CÓ HIỆU LỰC TỪ THÁNG 03/2024
21/03/2024 05:12
   
MỘT SỐ CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT CÓ HIỆU LỰC TỪ THÁNG 03/2024
Trong tháng 3/2024 có 03 Nghị định, 01 Quyết định, 09 Thông tư chính thức có hiệu lực, sau đây là một số văn bản, chính sách quan trọng liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và liên quan mật thiết đến đời sống của Nhân dân:

1. Nghị định số 10/2024/NĐ-CP ngày 01/02/2024 của Chính phủ quy định về khu công nghệ cao.

Theo đó, các đối tượng được thuê, mua, thuê mua nhà ở, cơ sở lưu trú phục vụ người lao động trong khu công nghệ cao được quy định tại khoản 5 Điều Điều 14 Nghị định 10 về chính sách phát triển hạ tầng xã hội phục vụ người lao động trong khu công nghệ cao gồm:

- Người lao động được ưu tiên xét mua nhà ở:

  • Làm việc trong Ban Quản lý khu công nghệ cao
  • Chuyên gia, người lao động có hợp đồng không xác định thời hạn với nhà đầu tư tại khu công nghệ cao.

- Tổ chức là nhà đầu tư, cá nhân là chuyên gia, người lao động làm tại khu công nghệ cao được thuê nhà trong thời gian làm việc, hoạt động tại đây.

     Nghị định này có hiệu lực từ ngày 25/3/2024.

2. Quyết định 02/2024/QĐ-TTg ngày 05/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ toàn bộ Quyết định 09/2022/QĐ-TTg ngày 04/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến.

Theo đó, Quyết định này bãi bỏ toàn bộ Quyết định số 09/2022/QĐ-TTg về tín dụng đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến ngày 04/4/2022.

Với các hợp đồng tín dụng đã được ký trước ngày 30/3/2024 thì sẽ giải quyết như sau:

- Các bên (ngân hàng Chính sách xã hội, khách hàng, các bên liên quan) tiếp tục thực hiện theo hợp đồng tín dụng đã ký.

- Việc theo dõi, thu hồi nợ, xử lý nghiệp vụ phát sinh liên quan đến khoản nợ này do ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục thực hiện theo quy định áp dụng với ngân hàng này.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày 30/3/2024.

3. Thông tư số 34/2023/TT-BGTVT ngày 30/11/2023 của Bộ Giao thông Vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 17/2019/TT-BGTVT ngày 03/5/2019 của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải ban hành khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa.

Theo đó, Thông tư có một số nội dung đáng chú ý sau:

- Tăng giá dịch vụ vận chuyển hành khách hạng phổ thông đối với đường bay từ 500 km trở lên. Cụ thể:

Khoảng cách đường bay từ 500 - 850 km: Tối đa 2,250 triệu đồng/vé một chiều (giá cũ là 2,2 triệu đồng/vé một chiều).

Khoảng cách đường bay từ 850 - 1.000 km: Tối đa 2,890 triệu đồng/vé một chiều (giá cũ là 2,790 triệu đồng/vé một chiều).

Khoảng cách đường bay từ 1.000 - 1.280 km: Tối đa 3,4 triệu đồng/vé một chiều (giá cũ là 3,2 triệu đồng/vé một chiều).

Khoảng cách đường bay từ 1.280 km trở lên: Tối đa 04 triệu đồng/vé một chiều (giá cũ là 3,750 triệu đồng/vé một chiều).

- Giữ nguyên giá dịch vụ vận chuyển hành khách hạng phổ thông đối với đường bay dưới 500 km.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/3/2024.

4. Thông tư số 37/2023/TT-BGTVT ngày 31/12/2023 của Bộ Giao thông Vận tải về quản lý hoạt động vận tải đường bộ qua biên giới.

Theo đó, Thông tư có một số nội dung đáng chú ý như sau:

- Phương tiện vận tải qua lại biên giới phải có các các giấy tờ hợp lệ, còn hiệu lực và xuất trình cho các cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu, bao gồm:

Giấy chứng nhận đăng ký xe;

Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường;

Giấy phép liên vận GMS và sổ theo dõi tạm nhập phương tiện vận tải (sau đây gọi là sổ TAD);

Danh sách hành khách đối với phương tiện vận chuyển hành khách tuyến cố định hoặc Danh sách hành khách đối với phương tiện vận chuyển hành khách hợp đồng và vận tải khách du lịch;

Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đối với người thứ ba;

Tờ khai phương tiện vận tải đường bộ tạm nhập - tái xuất hoặc Tờ khai phương tiện vận tải đường bộ tạm xuất - tái nhập.

Các giấy tờ trên phải được in bằng ngôn ngữ quốc gia và ngôn ngữ của Nước chủ nhà hoặc ngôn ngữ quốc gia và tiếng Anh. Trường hợp không được in bằng ngôn ngữ của Nước chủ nhà hoặc tiếng Anh thì phải kèm bản dịch tiếng Anh do cơ quan có thẩm quyền chứng thực hoặc công chứng.

- Lái xe qua lại biên giới phải mang theo các giấy tờ hợp lệ, còn hiệu lực khi xuất, nhập cảnh tại cửa khẩu và chịu sự kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chuyên ngành tại cửa khẩu như sau:

Hộ chiếu hoặc giấy tờ đi lại quốc tế có giá trị thay hộ chiếu và thị thực do cơ quan có thẩm quyền cấp (trừ trường hợp được miễn thị thực);

Giấy phép lái xe, đã được các Bên công nhận tại Hiệp định GMS. Tại thời điểm nhập cảnh vào Nước chủ nhà, giấy phép lái xe phải còn thời hạn ít nhất là hai tháng.

- Nhân viên phục vụ trên xe qua lại biên giới phải mang theo hộ chiếu hoặc giấy tờ đi lại quốc tế có giá trị thay hộ chiếu và thị thực do cơ quan có thẩm quyền cấp (trừ trường hợp được miễn thị thực) còn hiệu lực khi xuất, nhập cảnh tại cửa khẩu và chịu sự kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chuyên ngành tại cửa khẩu.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/3/2024.

5. Thông tư số 50/2023/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải ban hành.

Theo đó, bãi bỏ 09 văn bản QPPL do Bộ trưởng Bộ GTVT ban hành sau đây:

- Quyết định 2106-QĐ/BGTVT ngày 23/8/1997 về việc ban hành Thể lệ bốc dỡ, giao nhận và bảo quản hàng hoá tại cảng biển Việt Nam.

- Quyết định 52/2007/QĐ-BGTVT ngày 31/10/2007 ban hành quy định về quản lý đề tài khoa học và công nghệ, dự án sản xuất thử nghiệm cấp Bộ.

- Thông tư 33/2013/TT-BGTVT ngày 15/10/2013 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Thanh tra Cục Hàng không Việt Nam.

- Thông tư 34/2013/TT-BGTVT ngày 15/10/2013 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Thanh tra Cục Hàng hải Việt Nam.

- Thông tư 64/2013/TT-BGTVT ngày 31/12/2013 quy định việc thành lập; nhiệm vụ, quyền hạn của bộ phận tham mưu về công tác thanh tra chuyên ngành giao thông vận tải.

- Thông tư 67/2013/TT-BGTVT ngày 31/12/2013 quy định về trách nhiệm của cá nhân và việc xử lý vi phạm trong công tác thanh tra của ngành giao thông vận tải.

- Thông tư 02/2014/TT-BGTVT ngày 25/02/2014 quy định quy trình thanh tra chuyên ngành, xử phạt vi phạm hành chính; công tác lập kế hoạch, chế độ báo cáo và quản lý nội bộ của thanh tra ngành giao thông vận tải.

- Thông tư 27/2014/TT-BGTVT ngày 28/07/2014 quy định về quản lý chất lượng vật liệu nhựa đường sử dụng trong xây dựng công trình giao thông.

- Thông tư 32/2016/TT-BGTVT ngày 07/11/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 02/2014/TT-BGTVT ngày 25/02/2014 quy định quy trình thanh tra chuyên ngành, xử phạt vi phạm hành chính; công tác lập kế hoạch, chế độ báo cáo và quản lý nội bộ của thanh tra ngành giao thông vận tải.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/3/2024.

6. Thông tư số 01/2024/TT-BTC ngày 08/01/2024 của Bộ Tài chính quy định thời hạn bảo quản hồ sơ, tài liệu chuyên môn, nghiệp vụ ngành Tài chính.

Theo đó, Thông tư có một số nội dung đáng chú ý như sau:

Việc áp dụng các quy định về thời hạn bảo quản hồ sơ, tài liệu chuyên môn, nghiệp vụ được thực hiện như sau:

+ Thời hạn bảo quản hồ sơ, tài liệu dùng để xác định thời hạn bảo quản cho các hồ sơ, tài liệu chuyên môn, nghiệp vụ ngành Tài chính.

+ Mức xác định thời hạn bảo quản hồ sơ, tài liệu không được thấp hơn mức quy định thời hạn bảo quản hồ sơ, tài liệu ban hành kèm theo Thông tư này.

+ Đối với hồ sơ, tài liệu hình thành trong hoạt động của cơ quan, tổ chức chưa được quy định tại Thông tư này, các cơ quan, tổ chức căn cứ thời hạn bảo quản của hồ sơ, tài liệu tương ứng để xác định.

Nhóm hồ sơ, tài liệu có thời hạn bảo quản vĩnh viễn, gồm:

+ Hồ sơ xây dựng, ban hành quy định về quản lý tài chính - ngân sách;

+ Hồ sơ xây dựng, ban hành chiến lược, kế hoạch dài hạn và trung hạn về tài chính - ngân sách;

+ Hồ sơ xây dựng dự toán ngân sách Nhà nước hằng năm;

+ Hồ sơ phân bổ, bổ sung, điều chỉnh dự toán ngân sách Nhà nước hằng năm cho các cơ quan, đơn vị;

+ Báo cáo về phương án phân bổ, sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm và cắt giảm dự toán chi thường xuyên ngân sách Trung ương hàng năm…

- Nhóm hồ sơ, tài liệu có thời hạn bảo quản 50 năm, gồm:

+ Hồ sơ thẩm tra dự toán ngân sách Nhà nước hằng năm cho các đối tượng thuộc phạm vi quản lý;

+ Hồ sơ quản lý danh mục nợ công;

+ Hồ sơ cấp và quản lý bảo lãnh các nghĩa vụ tài chính của Chính phủ đối với các khoản vay của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng theo quy chế bảo lãnh của Chính phủ;

+ Hồ sơ cho vay lại/ủy quyền cho vay lại và thu hồi nợ vay lại vốn nước ngoài của Chính phủ….

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/3/2024.

Đặng Thuyết: Tư pháp - hộ tịch - Nguồn: UBND xã Kỳ Tây

 Người đang truy cập: 5
 Tổng số truy cập: 2376285