MỘT SỐ CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT CÓ HIỆU LỰC TỪ THÁNG 07/2024
01/07/2024 02:24
   
MỘT SỐ CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT CÓ HIỆU LỰC TỪ THÁNG 07/2024
Trong tháng 7/2024 có 10 Luật, 08 Nghị định, 01 Nghị quyết, 03 Quyết định, 34 Thông tư chính thức có hiệu lực, sau đây là một số văn bản, chính sách quan trọng liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và liên quan mật thiết đến đời sống của Nhân dân:

1.Luật Căn cước số 26/2023/QH15 được thông qua ngày 27/11/2023 tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khoá XV, có hiệu lực từ ngày 01/7/2024.

Theo đó, Luật Căn cước quy định thẻ căn cước mới sẽ bỏ thông tin quê quán, nơi thường trú, vân tay, đặc điểm nhận dạng, thay vào đó là thông tin nơi đăng ký khai sinh và nơi cư trú của công dân.

Bộ Công an mở rộng thêm đối tượng được cấp thẻ căn cước gồm: Công dân Việt Nam dưới 14 tuổi cấp thẻ căn cước theo nhu cầu; công dân Việt Nam không đủ điều kiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú nếu được cập nhật thông tin nơi ở hiện tại vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Ngoài ra, là lần đầu tiên người dưới 6 tuổi được cấp thẻ căn cước. Để cấp cho đối tượng này, người đại diện hợp pháp của người dưới 6 tuổi làm thủ tục thông qua cổng dịch vụ công hoặc ứng dụng định danh quốc gia. Cơ quan chức năng không thu nhận thông tin nhân dạng và sinh trắc học đối với người dưới 6 tuổi.

Cũng từ ngày 01/7/2024, cơ quan chức năng sẽ cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch. Đây là giấy tờ tùy thân chứa thông tin về căn cước của người gốc Việt, chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam từ 6 tháng trở lên. Theo quy định mới này, giấy chứng nhận căn cước có giá trị chứng minh về căn cước để thực hiện các giao dịch, thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam.

Luật mới bổ sung quy định về việc tích hợp thông tin vào thẻ căn cước gồm: Thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn... Người dân đề nghị tích hợp thông tin vào thẻ căn cước khi có nhu cầu hoặc khi thực hiện việc cấp thẻ căn cước. Việc sử dụng thông tin được tích hợp vào thẻ căn cước có giá trị tương đương như việc cung cấp thông tin hoặc sử dụng giấy tờ có chứa thông tin đó trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công...

Đáng chú ý, Luật còn bổ sung quy định mỗi công dân Việt Nam được cấp một căn cước điện tử. Căn cước điện tử được cơ quan quản lý căn cước Bộ Công an tạo lập ngay sau khi công dân hoàn thành thủ tục cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 2 trên VNeID.

          2. Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15 được thông qua ngày 18/01/2024 tại kỳ họp bất thường lần thứ 05, Quốc hội khoá XV, có hiệu lực từ ngày 01/7/2024.

Theo đó, có thể kể đến việc cấm bán bảo hiểm không bắt buộc kèm khoản vay tại khoản 5 Điều 15 Luật này. Cụ thể, cấm ngân hàng bán bảo hiểm không bắt buộc phải mua khi cá nhân, tổ chức vay vốn dưới mọi hình thức.

Ngoài ra, các hành vi bị cấm khác được nêu tại Điều 15 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 gồm:

- Ngân hàng cho vay, thực hiệ hoạt động ngân hàng, kinh doanh khác ngoài hoạt động ghi trong giấy phép đã được cấp.

- Tổ chức, cá nhân không phải ngân hàng thực hiện hoạt động ngân hàng trừ các giao dịch ký quỹ, mua bán lại chứng khoán của công ty chứng khoán.

- Việc can thiệp trái luật vào hoạt động ngân hàng, kinh doanh khác của ngân hàng.

- Thực hiện hạn chế cạnh tranh/cạnh tranh không lành mạnh có nguy cơ gây tổn hại/gây tổn hại đến thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng, lợi ích Nhà nước và quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.

Đồng thời, với các khoản vay tiêu dùng có giá trị nhỏ, ngân hàng phải có tối thiểu thông tin về mục đích sử dụng vốn hợp pháp, khả năng tài chính trước khi quyết định cho vay với các khoản vay:

- Phục vụ nhu cầu đời sống, vay qua thẻ ngân hàng

- Khoản cho thuê tài chính, khoản vay tiêu dùng, khoản cấp tín dụng qua thẻ của tổ chức phi ngân hàng

- Khoản vay phục vụ nhu cầu đời sống của quỹ tín dụng nhân dân

- Khoản vay của tổ chức tài chính vi mô.

3. Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng số 19/2023/QH15 được thông qua ngày 20/6/2023 tại kỳ họp thứ năm, Quốc hội khoá XV, có hiệu lực từ ngày 01/7/2024.

 

Theo đó, Luật bổ sung một số hành vi bị cấm, bao gồm hành vi bị cấm đối với tổ chức, cá nhân bán hàng đa cấp; tổ chức, cá nhân kinh doanh thiết lập, vận hành, cung cấp dịch vụ nền tảng số như:

- Cấm thực hiện hành vi không thông báo trước, không công khai cho người tiêu dùng việc tài trợ cho người có ảnh hưởng dưới mọi hình thức để sử dụng hình ảnh, lời khuyên, khuyến nghị của người này nhằm xúc tiến thương mại hoặc khuyến khích người tiêu dùng mua, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ;

- Cấm thực hiện hành vi ngăn cản người tiêu dùng kiểm tra về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

- Cấm hành vi yêu cầu người tiêu dùng phải mua thêm sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ như là điều kiện bắt buộc để giao kết hợp đồng trái với ý muốn của người tiêu dùng.

4. Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở số 30/2023/QH15 được thông qua ngày 28/11/2023 tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khoá XV, có hiệu lực từ ngày 01/7/2024.

Theo đó, Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là lực lượng do chính quyền địa phương thành lập trên cơ sở tự nguyện của người dân để hỗ trợ Công an xã giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp trong bảo vệ an ninh, trật tự và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (khoản 2 điều 2 Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở 2023).

Bên cạnh đó, chế độ, chính sách đối với người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở bị ốm đau, bị tai nạn, chết, bị thương khi thực hiện nhiệm vụ như sau:

- Người đã tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thì được chi trả chế độ từ quỹ bảo hiểm theo quy định của pháp luật.

- Người chưa tham gia bảo hiểm y tế mà bị ốm đau, bị tai nạn, bị thương thì được hỗ trợ thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh.

- Người chưa tham gia bảo hiểm xã hội mà bị tai nạn làm suy giảm khả năng lao động theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa thì được xét trợ cấp tùy theo mức độ suy giảm khả năng lao động; nếu chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp tiền tuất, tiền mai táng phí.

- Người bị thương, chết khi thực hiện nhiệm vụ thì được xem xét hưởng chế độ, chính sách như thương binh hoặc được xem xét để công nhận là liệt sĩ và hưởng các quyền khác theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra người thuộc lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ mà chết trong lúc làm nhiệm vụ sẽ được xem xét hưởng các chế độ của thương binh, liệt sỹ, người thân của người chết sẽ được nhận các khoản trợ cấp xã hội.…

5. Luật Phòng thủ dân sự số 18/2023/QH15 được thông qua ngày 20/6/2023 tại kỳ họp thứ năm, Quốc hội khoá XV, có hiệu lực từ ngày 01/7/2024.

Theo đó, phòng thủ dân sự được hiểu là bộ phận của phòng thủ đất nước gồm các yếu tố:

Các biện pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả của chiến tranh.

Các biện pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả của sự cố, thiên tai, thảm họa, dịch bệnh.

Là các biện pháp được sử dụng để bảo vệ nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân.

Trong đó, đối tượng dễ bị tổn thương được liệt kê tại Luật này gồm những người hoặc nhóm người có đặc điểm và hoàn cảnh khiến họ có khả năng chịu nhiều tác động bất lợi hơn từ sự cố, thảm họa so với nhóm người trong cộng đồng. Cụ thể:

- Trẻ em

- Người cao tuổi

- Phụ nữ đang mang thai đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi

- Người khuyết tật; người bị bệnh hiểm nghèo; người mất năng lực hành vi dân sự

- Người nghèo

- Người dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn

- Các đối tượng khác

6. Luật Giao dịch điện tử số 20/2023/QH15 được thông qua ngày 22/6/2023 tại kỳ họp thứ năm, Quốc hội khoá XV, có hiệu lực từ ngày 01/7/2024.

Theo đó, Luật Giao dịch điện tử 2023 gồm 7 chương, 54 điều. Trong đó, theo điều 6, chương I nêu rõ 08 hành vi bị nghiêm cấm trong giao dịch điện tử gồm:

- Lợi dụng giao dịch điện tử xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

-Cản trở hoặc ngăn chặn trái pháp luật quá trình tạo ra, gửi, nhận, lưu trữ thông điệp dữ liệu hoặc có hành vi khác nhằm phá hoại hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử.

- Thu thập, cung cấp, sử dụng, tiết lộ, hiển thị, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông điệp dữ liệu.

- Giả mạo, làm sai lệch hoặc xóa, hủy, sao chép, di chuyển trái pháp luật một phần hoặc toàn bộ thông điệp dữ liệu.

- Tạo ra thông điệp dữ liệu nhằm thực hiện hành vi trái pháp luật.

- Gian lận, giả mạo, chiếm đoạt hoặc sử dụng trái pháp luật tài khoản giao dịch điện tử, chứng thư điện tử, chứng thư chữ ký điện tử, chữ ký điện tử.

- Cản trở việc lựa chọn thực hiện giao dịch điện tử.

 Hành vi khác bị nghiêm cấm theo quy định của luật.

7. Luật Viễn thông số 24/2023/QH15 được thông qua ngày 24/11/2023 tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khoá XV, có hiệu lực từ ngày 01/7/2024.

Theo đó, Luật này quy định về hoạt động viễn thông; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động viễn thông; quản lý nhà nước về viễn thông.Trong đó, quy định trường hợp doanh nghiệp viễn thông được từ chối cung cấp dịch vụ viễn thông

- Doanh nghiệp viễn thông, đại lý dịch vụ viễn thông không được từ chối giao kết hợp đồng với người sử dụng dịch vụ viễn thông, trừ các trường hợp sau đây:

+ Người sử dụng dịch vụ viễn thông đã từng vi phạm hợp đồng cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông đã giao kết với doanh nghiệp viễn thông;

+ Việc cung cấp dịch vụ viễn thông là không khả thi về kinh tế, kỹ thuật;

+ Người sử dụng dịch vụ viễn thông đã bị doanh nghiệp viễn thông có thỏa thuận bằng văn bản với doanh nghiệp viễn thông khác về việc từ chối cung cấp dịch vụ viễn thông theo hình thức trả sau do trốn tránh nghĩa vụ thanh toán tiền sử dụng dịch vụ;

+ Có yêu cầu bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

- Doanh nghiệp viễn thông không được đơn phương chấm dứt hợp đồng với người sử dụng dịch vụ viễn thông, trừ các trường hợp sau đây:

+ Người sử dụng dịch vụ viễn thông vi phạm hợp đồng cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông đã giao kết;

+ Thuê bao viễn thông vi phạm pháp luật về viễn thông. Chính phủ quy định chi tiết Điểm này;

+ Có yêu cầu bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật..

8. Luật Giá số 16/2023/QH15 được thông qua ngày 19/6/2023 tại kỳ họp thứ năm, Quốc hội khoá XV, có hiệu lực từ ngày 01/7/2024.

Cụ thể, tại Điều 17 Luật Giá 2023 quy định hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá phải đáp ứng đồng thời các tiêu chí sau đây:

- Tiêu chí thực hiện bình ổn giá:

+ Là hàng hóa, dịch vụ thiết yếu.

 + Có ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân.

- Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá được quy định tại Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Luật Giá 2023 bao gồm:

+ Xăng, dầu thành phẩm.

+ Khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG).

+ Sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi.

+ Thóc tẻ, gạo tẻ.

+ Phân đạm; phân DAP; phân NPK.

+ Thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản.

+ Vắc - xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm.

+ Thuốc bảo vệ thực vật.

+ Thuốc thuộc danh mục thuốc thiết yếu được sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

(Trước đó Luật Giá 2023 đã bổ sung thức ăn chăn nuôi, thủy sản vào danh mục bình ổn giá; loại bỏ mặt hàng điện, muối ăn, Đường ăn, đường trắng và đường tinh luyện ra khỏi danh mục bình ổn giá).

- Trường hợp cần thiết phải điều chỉnh Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá, Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập văn bản đề nghị điều chỉnh gửi Bộ Tài chính tổng hợp, trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

9. Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15 được thông qua ngày 27/11/2023 tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khoá XV, có hiệu lực từ ngày 01/7/2024.

Luật Tài nguyên nước 2023 gồm 10 chương và 86 điều, quy định về quản lý, bảo vệ, điều hòa, phân phối, phục hồi, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra thuộc lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Trong đó, nước dưới đất dưới đáy biển và nước biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; nước khoáng, nước nóng thiên nhiên không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Tài nguyên nước 2023.

10. Luật Hợp tác xã số 17/2023/QH15 được thông qua ngày 20/6/2023 tại kỳ họp thứ năm, Quốc hội khoá XV, có hiệu lực từ ngày 01/7/2024.

Theo đó, Luật này gồm 12 chương, 115 điều, tăng 3 chương và 51 điều so với Luật HTX năm 2012 (gồm 9 chương, 64 điều) gồm: Những quy định chung; Chính sách của nhà nước về phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; Thành viên của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; Thành lập hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; Tổ chức quản trị hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

Đối tượng áp dụng của Luật gồm: Tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Thành viên của tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể, phá sản và hoạt động có liên quan của tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

Luật Hợp tác xã năm 2023 có nhiều nội dung mới về nhóm quy định: Bản chất hợp tác xã, phát triển thành viên hợp tác xã; mở rộng thị trường, nâng cao khả năng huy động vốn, tạo động lực cho hợp tác xã phát triển; nâng cao hiệu quả công tác quản trị, điều hành hợp tác xã; tổ hợp tác và tổ chức đại diện; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực kinh tế tập thể

11. Nghị định số 52/2024/NĐ-CP ngày 15/5/2024 của Chính phủ quy định về thanh toán không dùng tiền mặt

Cụ thể, Điều 11 Nghị định 52/2024/NĐ-CP nêu rõ, tài khoản ngân hàng sẽ bị phong tỏa một phần hoặc toàn bộ số dư nếu thuộc một trong các trường hợp dưới đây:

- Chủ tài khoản và ngân hàng đã có thỏa thuận trước.

- Theo yêu cầu của chủ tài khoản ngân hàng.

- Cơ quan có thẩm quyền quyết định hoặc yêu cầu bằng văn bản.

- Khi có nhầm lẫn, sai sót ghi Có nhầm vào tài khoản thanh toán của khách hàng hoặc theo yêu cầu hoàn trả tiền của ngân hàng chuyển tiền vì có nhầm lẫn, sai sót so với lệnh thanh toán của bên chuyển tiền sau khi ghi Có vào tài khoản thanh toán của khách hàng.     

Trong đó, số tiền bị phong tỏa sẽ chỉ nằm trong số tiền bị nhầm lẫn, sai sót.

- Khi có yêu cầu phong tỏa của một trong các chủ tài khoản thanh toán chung trừ trường hợp có thỏa thuận trước giữ các chủ tài khoản chung và ngân hàng

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/7/2024

12. Nghị định số 55/2024/NĐ-CP ngày 16/5/2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Cụ thể, theo khoản 1 Điều 24 Nghị định 55, nếu người bán hàng online có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì sẽ bị công bố công khai trên báo, đài, niêm yết tại trụ sở và đăng tải trên cổng thông tin của Bộ, cơ quan ngang Bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Trong đó, nội dung công khai sẽ gồm tên, địa chỉ của người bán có hành vi vi phạm về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; hành vi, địa bàn vi phạm; quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng…

Việc công khai thông tin này được thực hiện trong 30 ngày kể từ ngày công bố. Hết thời hạn này, thông tin có thể sẽ được cơ quan có thẩm quyền công khai thực hiện việc dừng hoặc bị gỡ bỏ.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/7/2024.

13. Nghị định số 61/2024/NĐ-CP ngày 06/6/2024 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân", "Nghệ sĩ ưu tú".

Theo đó, tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú như sau:

Danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú được xét tặng cho cá nhân quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị định 61/2024/NĐ-CP đạt các tiêu chuẩn sau:

- Trung thành với Tổ quốc; chấp hành tốt chủ trương, của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; điều lệ, nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, địa phương.

- Có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu trong cuộc sống, tận tụy với nghề; có tài năng nghệ thuật xuất sắc trong loại hình, ngành, nghề văn hóa, nghệ thuật được tôn vinh; có uy tín nghề nghiệp; có tinh thần phục vụ nhân dân, được đồng nghiệp và Nhân dân ghi nhận, mến mộ.

- Có thời gian hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật chuyên nghiệp liên tục hoặc cộng dồn từ 15 năm trở lên hoặc 10 năm trở lên đối với loại hình nghệ thuật xiếc, múa.

- Đạt một trong các tiêu chí giải thưởng quy định tại khoản 4 Điều 8 Nghị định 61/2024/NĐ-CP .

Đơn cử như, có ít nhất 02 giải Vàng quốc gia, trong đó có 01 giải Vàng quốc gia là của cá nhân.

Giải Vàng trong nước của cá nhân hoặc của bộ phim, chương trình, vở diễn, tiết mục được quy đổi để tính thành tích cho cá nhân theo quy định tại Phụ lục II kèm theo Nghị định này.

Giải thưởng quốc tế của cá nhân hoặc của bộ phim, chương trình, vở diễn, tiết mục do cơ quan chuyên môn về hoạt động văn hóa, nghệ thuật của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, có văn bản quy đổi để làm căn cứ tính thành tích cho cá nhân theo quy định tại Phụ lục II kèm theo Nghị định 61/2024/NĐ-CP .

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 22/7/20124.

14. Nghị quyết số 01/2024/NQ-HĐTP ngày 16/5/2024 của Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định  của pháp luật trong giải quyết vụ việc về hôn nhân và gia đình.

Theo đó, khoản 2 Điều 2 Nghị quyết 01 này hướng dẫn sinh con trong quy định chồng không được quyền ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi” được nêu tại khoản 3 Điều 51 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2024 là thuộc một trong ba trường hợp dưới đây:

- Vợ sinh con ra rồi nhưng không nuôi con trong thời gian từ khi sinh đến khi con dưới 12 tháng tuổi.

- Con chết sau khi vợ sinh trong thời gian dưới 12 tháng tuổi kể từ khi sinh con.

-Vợ phải đình chỉ thai nghén khi có thai từ 22 tuần tuổi trở lên

Đồng thời, tình tiết “đang có thai” tại quy định trên được xác định là khoảng thời gian vợ mang bào thai trong bụng và được cơ sở y tế có thẩm quyền xác định cho đến khi thời điểm sinh con hoặc khi đình chỉ thai nghén.

Như vậy, chỉ có một trong ba trường hợp sinh con hoặc đang có thai theo hướng dẫn ở trên thì vợ sinh con chồng không được ly hôn.

Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 01/7/2024.

15. Quyết định 1372/QĐ-BCT ngày 05/6/2024  của Bộ Công Thương về việc công bố thủ tục hành chính mới được ban hành và sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Công Thương

Theo đó, trình tự thông báo về việc thực hiện hoạt động bán hàng không tại địa điểm giao dịch thường xuyên được hướng dẫn cụ thể như sau:

- Tổ chức, cá nhân kinh doanh thực hiện thông báo đến Ủy ban nhân dân cấp xã tại nơi tổ chức bán sản phẩm, hàng hóa, cung cấp dịch vụ.

- Hồ sơ thông báo phải được gửi đến Ủy ban nhân dân cấp xã tối thiểu 03 ngày làm việc trước khi thực hiện hoạt động (căn cứ theo ngày Ủy ban nhân dân cấp xã nhận ghi trên vận đơn bưu điện hoặc các hình thức có giá trị tương đương trong trường hợp gửi qua đường bưu điện, căn cứ theo ngày ghi trên giấy tiếp nhận hồ sơ trong trường hợp nộp trực tiếp, căn cứ theo thời gian ghi nhận trên hệ thống thư điện tử hoặc căn cứ theo ngày ghi nhận trên hệ thống trong trường hợp nộp qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến).

- Trường hợp sửa đổi, bổ sung nội dung hoạt động đã được thông báo đến Ủy ban nhân dân cấp xã trước đó, tổ chức, cá nhân kinh doanh thực hiện thông báo sửa đổi, bổ sung nội dung hoạt động đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đã thông báo.

Ủy ban nhân dân cấp xã công khai đầy đủ nội dung thông báo của tổ chức, cá nhân kinh doanh bằng hình thức phù hợp để người tiêu dùng tại địa bàn được biết. Việc công khai được thực hiện trước và trong thời gian thực hiện hoạt động bán hàng, cung cấp dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh tại địa bàn.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày 01/7/2024

16. Quyết định số 1545/QĐ-BTNMT ngày 10/6/2024 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc công bố thủ tục hành chính mới ban hành; thủ tục hành chính sửa đổi, bổ sung; thủ tục hành chính thay thế và thủ tục hành chính bị bãi bỏ trong lĩnh vực tài nguyên nước thuộc phạm vi chức năng quản lý Nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Theo đó, trình tự thực hiện tạm dừng hiệu lực giấy phép thăm dò nước dưới đất, giấy phép khai thác tài nguyên nước từ ngày 01/7/2024 cụ thể như sau:

- Bước 1: Nộp hồ sơ:

Tổ chức, cá nhân đề nghị tạm dừng hiệu lực giấy phép nộp 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc thông qua dịch vụ bưu chính viễn thông hoặc qua ủy quyền theo quy định của pháp luật đến Văn phòng Tiếp nhận và Trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Tài nguyên và Môi trường (sau đây gọi tắt là Văn phòng Một cửa), địa chỉ số 10 Tôn Thất Thuyết, Nam Từ Liêm, Hà Nội hoặc trực tuyến tại cổng dịch vụ công tại địa chỉ  https://dichvucong.monre.gov.vn.

- Bước 2: Tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ:

Văn phòng Một cửa có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra, xem xét tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ.

+ Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, Văn phòng Một cửa trả lại hồ sơ và thông báo rõ lý do cho tổ chức, cá nhân.

+ Trường hợp hồ sơ hợp lệ, Văn phòng Một cửa chuyển hồ sơ cho Cục Quản lý tài nguyên nước để tổ chức thẩm định.

- Bước 3: Thẩm định hồ sơ và quyết định chấp thuận tạm dừng:

Kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cục Quản lý tài nguyên nước có trách nhiệm thẩm định hồ sơ.

+ Trường hợp đủ điều kiện để chấp thuận tạm dừng giấy phép thăm dò nước dưới đất, giấy phép khai thác tài nguyên nước, Cục Quản lý tài nguyên nước trình Bộ Tài nguyên và Môi trường chấp thuận;

+ Trường hợp không đủ điều kiện để chấp thuận thì trả lại hồ sơ cho tổ chức, cá nhân và thông báo rõ lý do bằng văn bản.

+ Trường hợp phải bổ sung, chỉnh sửa để hoàn thiện hồ sơ, Cục Quản lý tài nguyên nước gửi văn bản thông báo cho tổ chức, cá nhân đề nghị tạm dừng hiệu lực giấy phép nêu rõ những nội dung cần bổ sung, hoàn thiện hồ sơ.

Thời gian bổ sung, hoàn thiện hồ sơ không tính vào thời gian thẩm định hồ sơ. Thời gian thẩm định sau khi hồ sơ được bổ sung hoàn chỉnh là 6 ngày làm việc.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày 01/7/2024.

17. Thông tư 16/2024/TT-BCA ngày 15/5/2024 của Bộ Công an quy định về mẫu thẻ căn cước, mẫu giấy chứng nhận căn cước.

Theo đó, tương ứng với từng đối tượng được cấp thẻ Căn cước, Thông tư 16 sẽ có mẫu thẻ Căn cước khác nhau:

- Áp dụng cho công dân dưới 06 tuổi: Trên thẻ Căn cước sẽ không có thông tin Ảnh gương mặt. Các nội dung khác cũng đầy đủ như thẻ Căn cước cấp cho người từ đủ 06 tuổi trở lên.

- Với công dân từ đủ 06 tuổi trở lên: Có đầy đủ các thông tin trong thẻ Căn cước được nêu tại Luật Căn cước 2023 gồm: Ảnh khuôn mặt, chip điện tử, số định danh cá nhân, họ tên khai sinh, ngày tháng năm sinh, giới tính, quốc tịch…

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/7/2024

18. Thông tư số 43/2024/TT-BTC ngày 28/6/2024 của Bộ Tài chính quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Theo đó, Thông tư quy định: Kể từ ngày 1/7/2024 đến hết ngày 31/12/2024, mức thu một số khoản phí, lệ phí được quy định như sau:

Giảm 50% đối với lệ phí cấp giấy phép thành lập và hoạt động của ngân hàng (mức thu bằng 50% mức thu lệ phí quy định tại điểm a Mục 1 Biểu mức thu lệ phí tại khoản 1 Điều 4 Thông tư số 150/2016/TT-BTC uy định mức thu, chế độ thu, nộp lệ phí cấp giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng; giấy phép thành lập chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng; giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cho các tổ chức không phải là ngân hàng).

Giảm 50% đối với: Lệ phí cấp Căn cước công dân; Lệ phí cấp giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng phi ngân hàng; Lệ phí nộp đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; Lệ phí cấp chứng chỉ hành nghề đại diện sở hữu công nghiệp, công bố, đăng bạ đại diện sở hữu công nghiệp; Phí thẩm định nội dung tài liệu không kinh doanh để cấp giấy phép xuất bản; Lệ phí cấp phép nhập khẩu xuất bản phẩm không kinh doanh; Lệ phí đăng ký nhập khẩu xuất bản phẩm để kinh doanh...

Ngoài ra, giảm 50% đối với: Phí thẩm định phê duyệt thiết kế phòng cháy và chữa cháy; Lệ phí cấp Giấy phép hoạt động đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; Lệ phí sở hữu công nghiệp; Phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt; Phí thẩm định cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa; Phí thẩm định cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch…

Tại Thông tư này, Bộ Tài chính còn giảm từ 10-30% nhiều khoản phí, lệ phí, như: Phí thẩm định cấp chứng chỉ, giấy phép, giấy chứng nhận trong hoạt động hàng không dân dụng; cấp giấy phép ra vào khu vực hạn chế tại cảng hàng không, sân bay; Lệ phí ra, vào cảng hàng không, sân bay đối với chuyến bay của nước ngoài đến các Cảng hàng không Việt Nam; Phí hải quan đối với chuyến bay của nước ngoài đến các Cảng hàng không Việt Nam.

Đối với lĩnh vực chứng khoán, giảm 50% phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán, trừ 2 khoản phí, lệ phí đó là: Lệ phí cấp mới, cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận (chứng chỉ) hành nghề chứng khoán cho cá nhân hành nghề chứng khoán tại công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán và công ty đầu tư chứng khoán và phí giám sát hoạt động chứng khoán...

Kể từ ngày 1/1/2025 trở đi, mức thu các khoản phí, lệ phí quy định tại Biểu nêu trên thực hiện theo quy định tại các Thông tư gốc, Thông tư số 63/2023/TT-BTC và các Thông tư sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế (nếu có).

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/7/2024  đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2024.

19. Thông tư số 01/2024/TT-BVHTTDL ngày 17/5/2024 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về phòng, chống doping trong hoạt động thể thao

Theo đó, phòng, chống doping trong hoạt động thể thao, bao gồm các hoạt động sau đây:

- Giáo dục, truyền thông;

- Kiểm tra doping;

- Quản lý kết quả;

- Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong phòng, chống doping.

Những hành vi vi phạm Bộ luật Phòng, chống doping thế giới, cụ thể:

- Có chất bị cấm, chất chuyển hóa hoặc chất đánh dấu của chất bị cấm trong mẫu xét nghiệm của vận động viên.

- Sử dụng hay cố tình sử dụng chất bị cấm hoặc phương pháp bị cấm.

- Lảng tránh, từ chối hoặc bỏ lỡ việc lấy mẫu thử mà không phải vì lý do bất khả kháng sau khi có thông báo.

- Vi phạm các yêu cầu liên quan đến sự có mặt của vận động viên để kiểm tra doping ngoài thi đấu.

- Làm sai lệch hoặc gây cản trở đối với bất kỳ công đoạn nào của việc kiểm tra doping.

- Sở hữu chất bị cấm hoặc phương pháp bị cấm.

- Buôn bán chất bị cấm hoặc phương pháp bị cấm.

- Cho vận động viên uống, sử dụng chất bị cấm hoặc phương pháp bị cấm trong thi đấu hoặc ngoài thi đấu; hỗ trợ, khuyến khích, giúp sức, sai khiến, bao che hoặc dính líu đến bất kỳ hành vi đồng lõa nào khác vi phạm quy định về phòng, chống doping.

- Đồng lõa, bao che cho một hoặc nhiều hành vi quy định từ khoản 1 đến khoản 8 Điều này.

- Vận động viên có liên hệ về chuyên môn thể dục thể thao với huấn luyện viên, người hướng dẫn, bác sĩ hoặc bất kỳ ai đang trong thời gian bị kỷ luật do vi phạm quy định về phòng, chống doping.

- Kỳ thị, trù dập người tố cáo hành vi vi phạm doping.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 09/7/2024.

20. Thông tư số 09/2024/TT-BGDĐT ngày 03/6/2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về công khai trong hoạt động của các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân

Cụ thể, Thông tư 09/2024/TT-BGDĐT thay thế Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT ngày 28/12/2017 và đã bố cục lại rõ và gọn hơn, với nội dung công khai bao gồm 02 phần chính như sau:

- Phần thông tin công khai chung đối với các cơ sở giáo dục, trong đó bao gồm:

+ Các thông tin chung về cơ sở giáo dục như tên, địa chỉ, loại hình, sứ mạng, tầm nhìn,...

+ Thu, chi tài chính của cơ sở giáo dục.

- Phần công khai riêng đối với từng cấp bậc học, trong đó bao gồm:

+ Giáo dục mầm non.

+ Giáo dục phổ thông.

+ Giáo dục thường xuyên.

+ Giáo dục đại học và trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non.

Bên cạnh đó, tại Điều 14 Quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân được ban hành kèm theo Thông tư 09/2024/TT-BGDĐT đã bổ sung thêm quy định về nội dung Báo cáo thường niên như sau:

Các cơ sở giáo dục (trừ cơ sở giáo dục mầm non, trường, lớp dành cho người khuyết tật chưa có cổng thông tin điện tử), thực hiện công khai trên cổng thông tin điện tử của cơ sở giáo dục, bao gồm:

- Báo cáo thường niên để công khai cho các bên liên quan tổng quan về kết quả hoạt động của cơ sở giáo dục tính đến ngày 31/12 hằng năm theo định dạng file PDF với các nội dung tối thiểu theo quy định tại các phụ lục được ban hành kèm theo Thông tư 09/2024/TT-BGDĐT . Cụ thể

+ Phụ lục I: Mẫu báo cáo thường niên của cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên.

+ Phụ lục II: Mẫu báo cáo thường niên của cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục đại học và chương trình giáo dục ngành Giáo dục mầm non trình độ cao đẳng.

- Việc bố trí đối các nội dung công khai nêu trên tại Cổng thông tin điện tử sẽ do cơ sở giáo dục quyết định, bảo đảm thuận lợi cho việc truy cập, tiếp cận thông tin.

Ngoài ra, về thời điểm công khai của báo cáo Thường niên sẽ được thực hiện như sau:

Báo cáo thường niên của năm trước liền kề theo quy định tại Điểm b Khoản 1 và Điểm b Khoản 2, Điều 14 Quy chế được ban hành kèm theo Thông tư 09/2024/TT-BGDĐT phải được công bố trước ngày 10/6 hàng năm. Đối với các số liệu có liên quan đến báo cáo tài chính cả năm trước thì phải cập nhật tính đến hết thời gian quyết toán của cơ quan có thẩm quyền.

Thời gian công khai trên cổng thông tin điện tử tối thiểu là 05 năm kể từ ngày công bố công khai. Thời gian niêm yết công khai (đối với cơ sở giáo dục mầm non; trường, lớp dành cho người khuyết tật chưa có Cổng thông tin điện tử tối thiểu là 90 ngày và sau khi niêm yết phải lưu giữ tài liệu công khai để bảo đảm cho việc tiếp cận thông tin tối thiểu là 05 năm kể từ ngày niêm yết).

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 19/7/2024.

Đặng Thuyết: Tư pháp - hộ tịch - Nguồn: Phòng Tư pháp huyện Kỳ Anh
  • MỘT SỐ CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT CÓ HIỆU LỰC TỪ THÁNG 08/2024

    Trong tháng 8/2024 có 04 Luật, 06 Nghị định, 07 Nghị quyết, 06 Quyết định, 34 Thông tư chính thức có hiệu lực, sau đây là một số văn bản, chính sách quan trọng liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và liên quan mật thiết đến đời sống của Nhân dân:

  • MỘT SỐ CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT CÓ HIỆU LỰC TỪ THÁNG 06/2024

    Trong tháng 6/2024 có 05 Nghị định, 03 Quyết định, 21 Thông tư chính thức có hiệu lực, sau đây là một số văn bản, chính sách quan trọng liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và liên quan mật thiết đến đời sống của Nhân dân:

  • MỘT SỐ CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT CÓ HIỆU LỰC TỪ THÁNG 05/2024

    Trong tháng 5/2024 có 10 Nghị định, 07 Quyết định, 22 Thông tư chính thức có hiệu lực, sau đây là một số văn bản, chính sách quan trọng liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và liên quan mật thiết đến đời sống của Nhân dân:

  • Xã Kỳ Tây Hưởng ứng phát động Cuộc thi trực tuyến “tìm hiểu pháp luật về hôn nhân gia đình và chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình”

    Thực hiện Kế hoạch số 494/KH-UBND ngày 19/03/2024 của UBND huyện Kỳ Anh về Tổ chức Cuộc thi trực tuyến “tìm hiểu pháp luật về hôn nhân gia đình và chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình”. Sáng ngày 08/04/2024, Ủy ban nhân dân xã Kỳ Tây tổ chức Lễ phát động hưởng ứng Cuộc thi trực tuyến “tìm hiểu pháp luật về hôn nhân gia đình và chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình”.

  • Bài tuyên truyền về công tác dân số Kế hoạch hóa gia đình

    Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình là một bộ phận quan trọng trong chiến lược phát triển đất nước, là một trong những vấn đề kinh tế - xã hội hàng đầu, là yếu tố nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người, từng gia đình và toàn xã hội. Giữa dân số và phát triển kinh tế - xã hội luôn có mối quan hệ biện chứng, hỗ trợ và thúc đẩy lẫn nhau. Muốn tăng trưởng kinh tế thì yếu tố đầu tiên phải là con người và phải là con người có sức khỏe và trí tuệ.

  • BÀI TUYÊN TRUYỀN LUẬT HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH

    Luật hôn nhân và gia đình được quốc hội nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa việt nam khóa XIII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 19/6/2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015.

 Người đang truy cập: 75
 Tổng số truy cập: 2404610